Ngày 29/3/2021, Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức lễ khởi động dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” do Tập đoàn Microsoft tài trợ nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận kỹ năng số cho thanh niên và lao động di cư trong nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển việc làm do tác tác động của đại dịch COVID-19. Thành phần tham dự gồm: Đại diện của tổ chức IOM, Tập đoàn Microsoft, Phó tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, các trường Cao đẳng nghề, các đối tác trong và ngoài nước cùng các công ty có quan tâm. Dự án thí điểm sẽ được triển khai trên địa bàn 03 tỉnh/ thành gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương với 10 trường được thụ hưởng chính sách, trong đó Đồng Nai có 03 trường: Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi và Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. Thời gian thí điểm dự án kéo dài 14 tháng (2020 – 2021), với số lượng tham gia khoảng 3.000 lao động di cư và sinh viên học nghề. Mục tiêu của dự án hướng tới: 1. Người lao động di cư có cơ hội học tập và cải thiện kỹ năng số khi truy cập trực tuyến các khóa đào tạo miễn phí về kỹ năng số cơ bản của Microsoft bằng ngôn ngữ tiếng Việt và nhận chứng chỉ của Microsoft. 2. Giảng viên và sinh viên tại các trường đào tạo nghề sẽ có cơ hội làm quen phương pháp sư phạm mới là tự chủ động học và hoàn thành bài học. Hơn nữa sau khi tốt nghiệp học sinh, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, thích ứng nhanh với công nghệ mới. Đồng thời đây cũng là cơ hội để hiện thực hóa chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 trong Nghị quyết 52-NQ / TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 749 / QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số” trong thời gian sắp tới.

    Các đại biểu tham dự Lễ khởi động dự án Trong buổi lễ, bà Mihyung Park – Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam đã nhấn mạnh: “Các kỹ năng số cơ bản là những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh này, nếu những người lao động không được dễ dàng tiếp cận những cơ hội nâng cao kỹ năng này, rất có thể họ sẽ bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, kỹ năng số còn là kỹ năng cần thiết để kiến tạo cuộc sống khỏe mạnh, thư thái và bình an cho người di cư vì kỹ năng đó giúp họ hòa nhập tốt trong cộng đồng mới”. Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp nhận định: “Vấn đề chuyển đổi số là một lĩnh vực khá mới mẻ và khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Do đó, cần có sự đồng hành, chia sẻ của các đối tác quốc tế, các tập đoàn về công nghệ để gấp rút hoàn thiện khung pháp lý, chính sách và thúc đẩy triển khai các hoạt động nâng cao năng lực và ứng dụng chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ cấp quản lý đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.”

    Về phía địa phương và đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng thực hiện chuyển đổi số đem lại những cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức cho đội ngũ triển khai tại cấp Sở, Phòng và các Trường Cao đẳng. Việc chuyển đổi từ phương pháp quản lý, dạy và học truyền thống sang những phương pháp mới sử dụng công nghệ mới sẽ vấp phải những khó khăn. Nhưng việc tham gia thí điểm vào dự án này sẽ giúp Giảng viên và sinh viên tại các trường đào tạo nghề sẽ có cơ hội làm quen phương pháp sư phạm mới chủ động trong việc dạy và học. Kết thúc buổi lễ các đại biểu bày tỏ hy vọng rằng việc thực hiện thành công dự án thí điểm này sẽ hội tụ các bên liên quan để giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp và Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nguyễn Hữu Khánh Linh 

    Nguồn: sldtbxh.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ