​Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngành Thủy lợi (28/8/1945-28/8/2020), đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thư chúc mừng đến các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thủy lợi những tình cảm và lời chúc tốt đẹp nhất, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thủy lợi. Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính – Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Thuỷ lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son trong lịch sử của ngành thủy lợi. Kể từ đó tới nay, trải qua bao thời kỳ vô cùng khó khăn, thử thách, ngành thủy lợi đã không ngừng vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế-xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đến nay, cả nước có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng – Phước Hòa), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn (có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho 2.000ha trở lên). Ngoài ra, các hệ thống công trình thuỷ lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương dần hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố, kiện toàn. Cả nước hiện có khoảng 90 doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi; khoảng 17.000 tổ chức thủy lợi cơ sở. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác thủy lợi ngày càng phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác thủy lợi vẫn còn những hạn chế, thách thức lớn từ biến đổi khí hậu như: Diễn biến lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du. Hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi. Trong khi, các công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp; công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả. Đối với địa bàn tỉnh Đồng Nai, trước đây công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là rất ít, tuy có hơn 230.000 ha đất nông nghiệp, nhưng số công trình thủy lợi để phục vụ tưới chỉ được đếm trên đầu ngón tay và đều là công trình có quy mô vừa và nhỏ, như: Đập Năm Sao (Tân Phú), đập Cầu Trắng (Định Quán), đập Gia Yên (Thống Nhất), đập Long An (Long Thành), đập Tân Hiệp và trạm bơm Hiệp Hoà (Biên Hoà). Tổng diện tích được tưới của các công trình trên là 640 ha. Đại bộ phận đất đai chỉ canh tác được 01 vụ và dựa vào nước trời là chính. 75 năm xây dựng và phát triển ngành Thủy lợi_hình 1.jpg Hồ Lộc An huyện Long Thành Ngay sau ngày giải phóng, xác định vai trò quan trọng của thủy lợi đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nông nghiệp của tỉnh nói riêng, hơn 30 năm qua, trong lúc phải giải quyết biết bao nhiêu khó khăn do chiến tranh để lại, do thiên tai địch hoạ, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai vẫn giành ra hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động và hàng ngàn tấn vật tư để đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế xã hội của tỉnh. Một số dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới công trình thủy lợi được UBND tỉnh quan tâm đầu tư như: Hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc), hồ Suối Vọng, hồ Giao Thông, hồ Suối Đôi (huyện Cẩm Mỹ), trạm bơm Bến Thuyền, trạm bơm Giang Điền (huyện Tân Phú),… Đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 131 công trình thủy lợi đang hoạt động, gồm: 17 hồ chứa, 56 đập dâng, 35 trạm bơm, 23 công trình tạo nguồn, ngăn mặn, tiêu thoát lũ; các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho hơn 20.645 ha, tiêu cho diện tích là 2.533 ha, ngăn mặn với diện tích là 5.938 ha; cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt khoảng 60.373 m3/ngày. Công tác phân cấp quản lý các công trình thủy lợi đã được triển khai thực hiện và thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế và quy định. Đến nay Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL quản lý 21 công trình; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố Long Khánh quản lý 100 công trình; UBND huyện Long Thành giao cho các xã quản lý 06 công trình; UBND thành phố Biên Hòa giao các hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp quản lý 03 công trình; Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai quản lý 01 công trình. Định hướng trong thời gian tới của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành thủy lợi tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai lập quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi làm cơ sở đầu tư công trình thủy lợi. Tập trung ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thúc đẩy chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”, đồng thời phân rõ vai trò chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi, đổi mới phương thức hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi, chuyển mạnh sang đặt hàng, đấu thầu trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Quan tâm đặc biệt đến an toàn đập, an toàn công trình thủy lợi, nâng cao năng lực dự báo (mưa, lũ) phục vụ vận hành hồ chứa theo thời gian thực…

    Nguyễn Ngọc

    Nguồn: sonongnghiep.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ