Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh vừa qua đã tổ chức đoàn khảo sát qua hình thức tham gia 04 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh để kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn các huyện Long Thành, Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. ​Theo kết quả khảo sát cho thấy, các Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã ban hành kế hoạch để kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm, loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán; trong quá trình kiểm tra kết hợp hướng dẫn chủ doanh nghiệp, cơ sở các quy định về an toàn thực phẩm; thực hiện test nhanh và lấy mẫu thực phẩm để đánh giá các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. 

    Đoàn kiểm tra tại một cơ sở sản xuất bún trên địa bàn huyện Long Thành

     Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm còn cao; các Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh không thực hiện xử phạt trong quá trình kiểm tra mà cho phép cơ sở xuất trình bổ sung các hồ sơ, giấy tờ có liên quan sau ngày thanh tra, kiểm tra (hoặc giao cho huyện theo dõi, hậu kiểm) đối với các cơ sở vi phạm; mặc dù Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các huyện đã kịp thời xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh nhưng đến thời điểm kiểm tra (ngày 12/01/2021) huyện Vĩnh Cửu và huyện Thống Nhất vẫn chưa thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    Đoàn kiểm tra tại một cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện Trảng Bom

    Các nội dung vi phạm chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: Chưa đầy đủ về hồ sơ, giấy tờ theo quy định; chưa đảm bảo vệ sinh tại khu vực chế biến, bảo quản thực phẩm; không thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo quy định; kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; nhân viên không sử dụng đồ bảo hộ lao động khi tham gia sản xuất; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục cho phép sử dụng tại Việt Nam để bảo quản thực phẩm; chưa thực hiện niêm yết giá theo quy định. Để công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp tái phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    Đức Thể

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ