Trong giai đoạn 2001 – 2019, UBND tỉnh đã ưu tiên cấp kinh phí để xây dựng, cải tạo, sửa chữa 81 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn và hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước nhỏ lẻ cho 6.180 hộ dân (cấp nước cho 27.810 người) thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. ​ Theo đó, từ nguồn vốn ngân sách, vốn dân và nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến cuối năm 2019 là 100% (1.772.106/1.772.106 người), tăng 29,6% so với cuối năm 2​005 (trước khi thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg); trong đó tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia là 76,8% (1.361.294/1.772.106 người), tăng 11,9% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đến cuối năm 2019 là 100%, tăng 49% so với cuối năm 2005. Tỷ lệ hộ dân chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh đến cuối năm 2019 là 94%, tăng 52% so với cuối năm 2005. Tỷ lệ số trường mầm non, phổ thông và các trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia đến cuối năm 2019 là 100%. Việc thực hiện chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường nông thôn, cụ thể: Hiệu quả về kinh tế: Người dân ở nông thôn được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để xây dựng công trình nước sạch (nối đường ống nhánh dẫn nước từ đường ống của công trình cấp nước tập trung về nhà dân, làm giếng khoan và bể lọc nước) đã giảm thiểu chi phí mua nước sạch hoặc phải đi xa để lấy nước sạch; xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn (hầm ủ biogaz, túi ủ biogaz, hố xí hợp vệ sinh) để giữ sạch vệ sinh và tạo chất đốt; nhờ có nước sạch và vệ sinh sạch đã đảm bảo được sức khỏe cho người dân, giảm được chi phí khám chữa bệnh. Hiệu quả về văn hóa – xã hội: Chương trình tín dụng này đã góp phần xóa bỏ dần thói quen, tập quán sinh hoạt không vệ sinh của một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn; nâng cao ý thức giữ vệ sinh cá nhân và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Hiệu quả về môi trường nông thôn: Người dân ở khu vực nông thôn được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, môi trường nông thôn được bảo vệ tốt hơn, sạch và xanh hơn; kết quả này đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 11/11 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 100%) và 133/133 xã (tỷ lệ 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lê Lài

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ