Thứ Tư, ngày 20/5/2020, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. ​

    Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và các sở, ngành có liên quan dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9

    Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020). Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; đồng thời tổ chức tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp. Trước đó, vào 08 giờ ngày 19/5/2020, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng 8 giờ 30 cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống điện tử. 

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9

    Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế – xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó, các ĐBQH cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Quốc hội xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác; khẳng định quyết tâm của nước ta trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam. Việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác. Tại kỳ họp này, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan. Hình thức họp trực tuyến là mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp.

    Kim Chung

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ