​Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 với nhiều kỳ vọng về đổi mới, phát triển đất nước ​Quy hoạch là một từ Hán Việt và được du nhập từ Trung Quốc khi Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên vào những năm 1950-1960 và được phát triển theo yêu cầu kế hoạch hóa nền kinh tế. Đến nay, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam tương đối thống nhất trong cách phân định quy hoạch và kế hoạch, đó là: “quy hoạch” được hiểu “là quản trị các hoạt động kinh tế – xã hội trên một không gian địa lý nhất định”, quy hoạch mang tính định hướng cao hơn kế hoạch và phải bao gồm việc tổ chức, bố trí không gian các định hướng phát triển (là nội dung không thể hiện tại kế hoạch). Còn “kế hoạch” là cụ thể hóa của quy hoạch, trong đó thể hiện các định hướng, mục tiêu cho thời gian ngắn . Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình của thế giới. Đạt được kết quả này có một phần đóng góp quan trọng của công tác quy hoạch. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp trước sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành. Những hạn chế, yếu kém đó là: – Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. – Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. – Quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của nhà nước để điều hành phát triển kinh tế – xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện. – Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. – Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành. 

    Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết HĐND tỉnh tại Kỳ họp Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch: Một là, tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn bất cập. Tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, các ngành đã tác động tiêu cực đến công tác quy hoạch, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi và bị điều chỉnh tùy tiện. Hai là, ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch được ban hành quá nhiều (95 luật, pháp lệnh điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm đã có 72/95 luật, pháp lệnh), song các văn bản này được ban hành ở những thời kỳ khác nhau, do các cơ quan khác nhau đề xuất ban hành một cách độc lập nên không đồng bộ và thiếu thống nhất, nhất quán với nhau. Chính vì vậy, việc ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch; đồng thời, Luật quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Luật quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. Về quan điểm, mục tiêu và ý nghĩa của luật quy hoạch – Về quan điểm: thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến quy hoạch; hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể. – Về mục tiêu: xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành được thống nhất từ trung ương đến địa phương. – Về ý nghĩa của Luật quy hoạch: + Về thể chế: việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. + Về quản lý nhà nước: với những quy định trong Luật quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ; trong đó nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất) để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường, thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật quy hoạch sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương. Với ý nghĩa cũng như sự cần thiết ban hành, luật quy hoạch được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội thời gian sắp tới./. Trọng Huy

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ