Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi; Yêu cầu về ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp và Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021. Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2021/TT-BTC ngày 31/3/2021 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 17/5/2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư này.

    Từ ngày 01/01/2022 trở đi, áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư. Theo đó, Thông tư số 24/2021/TT-BTC quy định áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí khi thực hiện các thủ tục như: Thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hộ chăn nuôi được giảm 50% mức thu phí Thông tư quy định miễn thu phí đối với các đối tượng là: Cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nội dung thu phí quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư số 24. Yêu cầu về ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Theo Điều 19 của Nghị định, việc ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ như sau: – Đối với hạt giống: Tên loài cây (tên khoa học); khối lượng hạt; ngày, tháng, năm chế biến xong; thời hạn sử dụng; nơi thu hái; phương pháp bảo quản; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; – Đối với bình mô: Tên loài cây (tên khoa học); tên giống; mã số giống được công nhận; lô sản xuất: Ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; thời hạn cấy cây (từ ngày xuất giống đến ngày cuối cùng được phép sử dụng); – Đối với các loại giống khác không ghi nhãn nhưng phải có hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 27/2021. Các hộ trồng trọt sẽ được hướng dẫn ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng​ Về quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp, Điều 19 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: – Được quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo quy định của pháp luật về quảng cáo. – Nội dung quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp phải theo đúng nội dung trong quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp và quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. – Trường hợp giống cây trồng lâm nghiệp nhập khẩu với mục đích triển lãm, hội chợ thì thực hiện quảng cáo theo nội dung giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, Điều 4 của Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nghị định số 27/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/03/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/05/2021. Nghị định này quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, gồm: bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm giống; nhãn và tên giống cây trồng lâm nghiệp; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp. Theo đó, các chính sách của Nhà nước về hoạt động giống cây trồng lâm nghiệp được quy định rõ như: 1. Nhà nước đầu tư các hoạt động sau đây: a) Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp; thông tin và dự báo thị trường; xây dựng chiến lược phát triển giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống cây trông lâm nghiệp; b) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp; c) Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 của Nghị định này. 2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách Nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây: a) Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Nghị định này; b) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hoạt động chứng nhận giống cây trồng trồng lâm nghiệp; c) Lưu giữ, sản xuất và cung ứng giống gốc cây trồng lâm nghiệp; phục tráng giống gốc; sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp đặc sản, giống cây trồng lâm nghiệp bản địa; duy trì cây đầu dòng; bảo vệ và phát triển vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; nhập khẩu giống mới, chuyển nhượng bản quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp; d) Đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động giống cây trồng lâm nghiệp. 3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây: a) Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu phát triển, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hoạt động liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp; b) Tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; c) Bảo hiểm về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. 4. Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách nhà nước (tín dụng; của các tổ chức cá nhân; hỗ trợ quốc tế, …) theo quy định của pháp luật. Ban XDH

    Nguồn: hoinongdan.dongnai.gov

     


    Bản đồ

    bản đồ