Ngày 27/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, sau đó các đại biểu thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. ​

    Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tham dự phiên họp tại điểm cầu Đồng Nai

     Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Thống kê từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đoàn giám sát nhận thấy, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý tăng qua từng giai đoạn, đặc biệt là thời gian gần đây. Điều này, phần nào cho thấy người dân, trẻ em đã có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi phạm tội. Trong các hình thức xâm hại trẻ em, gây bức xúc nhất hiện nay là tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm tới hơn 75% tổng số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo. Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau… Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, phần lớn trẻ em tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mục đích lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nên được cha mẹ đồng thuận và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; cần có nhiều giải pháp tổng thể về kinh tế, xã hội thì mới giải quyết được cơ bản tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật.Các đại biểu đánh giá cao nội dung báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em là khá toàn diện, phản ánh đầy đủ, thực chất tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Qua báo cáo, các đại biểu nhận thấy, giai đoạn 2015-2019 có hơn 8 nghìn 400 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý là con số đáng báo động và vẫn còn rất nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ. Các đại biểu đồng thuận với đánh giá cho rằng, xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng gây hậu quả xấu đối với trẻ, nhiều hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường và tương lai của trẻ, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Do đó, các đại biểu đề nghị, ngoài kịp thời phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm, quan trọng hơn là phải có biện pháp để bảo vệ trẻ em, không để tình trạng xâm hại trẻ xảy ra. Các đại biểu đưa ra nhiều dẫn chứng về nhiều vụ trẻ em bị bạo hành hàng ngày mà chính quyền và nhà trường không hay biết. Do đó, để làm tốt phòng chống xâm hại trẻ em, một số đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho phụ huynh, và trẻ; đánh giá thêm công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị chế tài pháp luật đối với hành vi này cần tăng nặng tính răn đe.

    Kim Chung

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ