Trong điều kiện khó khăn chung do đại dịch Covid-19, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Với lòng nhiệt huyết của mình, những người làm báo luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp với phương châm “sống chung an toàn với đại dịch”. Sự dấn thân của đội ngũ phóng viên, nhà báo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. .

    Phóng viên Đài truyền hình Đồng Nai tác nghiệp tại khu cách ly tập trung

    Chạy đua cùng thông tin Tiêu chí quan trọng trong công tác tuyên truyền về cuộc chiến chống dịch Covid-19 là thông tin phải nhanh, chính xác nhưng đồng thời không được gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Để đáp ứng yêu cầu này, các phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế luôn phải trong tư thế sẵn sàng để chạy đua với thông tin. Do tình hình dịch luôn có diễn biến mới, thông tin cần được cập nhật liên tục nên các phóng viên phải làm việc với cường độ cao. Nhà báo Hạnh Dung (Ban Chính trị – Văn hóa, xã hội Báo Đồng Nai) cho biết, chị bắt đầu thông tin về dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 1-2020, khi trong nước mới xuất hiện những ca bệnh đầu tiên. Thời điểm này, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện khá nhiều thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. “Xác định vai trò của báo chí chính thống, tôi luôn cố gắng thực hiện tin, bài liên quan đến dịch bệnh nhanh nhất, chính xác nhất. Thông tin chính thống của Báo Đồng Nai sau đó đã thu hút một lượng bạn đọc rất lớn và thường xuyên trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bạn đọc”, chị Dung chia sẻ. Cũng theo nhà báo Hạnh Dung, khi quyết định theo nghề báo, bản thân chị đã xác định sẵn sàng tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, lễ, Tết, cứ có thông tin liên quan đến dịch bệnh là chị lại chạy đến, theo dõi, nắm thông tin và cập nhật trên báo. Dĩ nhiên, với tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, phóng viên Hạnh Dung luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, thực hiện nghiêm 5K. “Có đợt Đồng Nai tiếp nhận cách ly hàng trăm người từ nước ngoài về, để có thông tin, hình ảnh chân thực, tôi chạy xe máy từ Biên Hòa xuống Long Thành để chờ và làm. Trên đường về mưa tầm tã, về được đến nhà cũng đã nửa đêm…”, chị Dung kể. Nhà báo Phương Thanh (Phòng Thời sự, Đài PT-TH Đồng Nai) cũng là người trực tiếp theo dõi, đưa tin xuyên suốt các diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19 trên sóng của Đài PT-TH Đồng Nai. Trong đó, có không ít lần chị đi vào các khu cách ly để tác nghiệp. “Ban đầu, mình cũng có chút lo lắng về nguy cơ lây nhiễm nhưng sau đó mình nghĩ là cứ làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, mặc đồ bảo hộ đầy đủ thì sẽ an toàn. Do đó, mình cùng với quay phim đã đến nhiều khu cách ly trong tỉnh để có được nhiều thông tin, hình ảnh hơn nhằm cung cấp cho bạn xem đài”, chị Phương Thanh chia sẻ. Kỷ niệm mà nữ nhà báo này nhớ nhất là lần Đồng Nai đón công dân từ nước ngoài trở về và thực hiện cách ly tập trung tại Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân VI (nay là Trường đại học Cảnh sát nhân dân cơ sở 2, xã An Phước, huyện Long Thành) vào tháng 6-2020. Với mong muốn truyền tải thông tin nhanh, chân thực, tức thời đến người dân, chị Phương Thanh đã chủ động livestream trên trang Fanpage Thời sự Đồng Nai. “Hôm đó trời mưa, mình mặc đồ bảo hộ kín mít, bịt khẩu trang mà mắt lại đeo kính nên khi nói thì mắt kính bị hơi thở làm mờ đi. Lúc đó, 1 tay cầm điện thoại để quay, 1 tay phải liên tục lau mắt kính để có thể quan sát được xung quanh, mình đã thực hiện livestream gần 30 phút, quay được tất cả các hình ảnh từ khi xe đón công dân về đến nơi, cảnh phun xịt khử khuẩn, khám sàng lọc, đưa công dân lên phòng cách ly…”, chị Phương Thanh nhớ lại. Livestream đã được rất nhiều người dân chia sẻ. Nhờ đó, người dân thêm hiểu và chia sẻ với những vất vả của đội ngũ nhân viên y tế. Điều khiến chị xúc động chính là rất nhiều người xem livestream đã comment (bình luận) quan tâm, nhắn nhủ nhân viên y tế, nhà báo phải giữ an toàn. 

    Phóng viên Vương Văn Thế (báo Đồng Nai) tác nghiệp nơi tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (ảnh:H.Yến)

    Gương mẫu trong phòng, chống dịch Nhà báo Phương Liễu (Ban Pháp luật – Đời sống và Bạn đọc, Báo Đồng Nai) cho hay, khi dịch Covid-19 xảy ra, chị nhận thấy nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, muốn tìm hiểu thông tin liên quan đến dịch bệnh để phòng ngừa cũng như có những ứng phó cần thiết. Hiểu được nhu cầu cần thông tin của người dân, chị đã thực hiện nhiều bài viết sát sườn với những quan tâm của bạn đọc, của xã hội về dịch bệnh để chuyển tải những thông tin một cách chính xác, đúng và đủ về dịch Covid-19 đến người dân. Đồng thời, phản ánh những vất vả, nguy hiểm của những người ở tuyến đầu đang căng mình chống dịch để người dân thấu hiểu, chia sẻ, tự giác, nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Để cung cấp những thông tin liên quan đến dịch bệnh đến bạn đọc, chị đã liên hệ với nhiều nguồn tin từ các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo ngành y tế và gặp gỡ những người trực chiến trong các khu cách ly cũng như điều trị bệnh nhân Covid. Với quay phim Khánh Lộc (Phòng Báo điện tử, Báo Đồng Nai), đây là lần đầu tiên anh tham gia quay phim về dịch bệnh nên có khá nhiều lo lắng, đặc biệt là những lần vào tác nghiệp trong khu cách ly. Tuy vậy, sau hơn 1 năm thường xuyên đi quay các tin tức liên quan đến dịch Covid-19, được trực tiếp nghe thông tin từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành y tế, các chuyên gia…, bản thân anh đã tích lũy được khá nhiều kiến thức về phòng, chống dịch Covid-19. “Có rất nhiều thông tin liên quan đến dịch Covid-19 trên mạng xã hội nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác. Điều này khiến cho nhiều người mơ hồ, không hiểu rõ về phòng, chống dịch. Tôi phải khuyên người thân, bạn bè của mình nên theo dõi những thông tin như trên Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai bởi đây là nơi chính thức truyền tải thông tin từ Sở Y tế, CDC Đồng Nai. Các thông tin trên mạng xã hội thường chưa được kiểm chứng, dù có thể họ cũng có nguồn tin riêng”, anh Lộc cho biết.

    Hoàng Giang

    dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ