​Đồng Nai là một trong số ít địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai chương trình “Sữa học đường” từ năm 2014. Đến nay hơn 6 năm thực hiện, chương trình “Sữa học đường” của Tỉnh đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. ​Đề án “Sữa học đường” giai đoạn 2014-2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013. Việc triển khai Đề án “Sữa học đường” trên địa bàn tỉnh đã được sự phối hợp tốt của các địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành liên quan và sự đồng thuận cao của các cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh. Công tác kiểm tra, giám sát Đề án được thực hiện thường xuyên, các nội dung kiểm tra, giám sát như: quy trình giao nhận sữa, cách bảo quản, phân phối và tổ chức cho học sinh uống sữa tại trường, nhất là các đơn vị trường học có nhiều cơ sở lẻ, các loại hồ sơ sổ sách ….được thực hiện đầy đủ và báo cáo định kỳ theo quy định. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng đã tích cực có các bài viết, phóng sự tuyên truyền về tầm quan trọng, chủ trương, ý nghĩa, mục đích của Đề án “Sữa học đường” đối với học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh.

    Thường trực HĐND tỉnh khảo sát Đề án “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Tân Phú năm 2018

    Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án “Sữa học đường” tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tổng kinh phí thực hiện Đề án “Sữa học đường” là 1.094 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là: 547 tỷ đồng; phụ huynh đóng góp là: 383 tỷ đồng; đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ là: 164 tỷ đồng. Tổng số lượt trẻ tham gia là 1,722,480 (từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020). Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình sữa học đường, kết hợp với sự quan tâm chăm sóc của gia đình và nhà trường, đa số trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học đều được cải thiện về thể lực và trí tuệ, trẻ khoẻ mạnh, thông minh, nhanh nhạy tiếp thu tốt hơn trong các hoạt động học và vui chơi. Chương trình đã giúp trẻ em hình thành thói quen uống sữa hàng ngày và hiểu rõ lợi ích dinh dưỡng từ sản phẩm sữa đối với cơ thể, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học. Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi giảm đều hàng năm. Năm học 2014-2015, tổng số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân là 15.344 trẻ, đến năm học 2019-2020, số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm chỉ còn 4.082 trẻ; tương tự, năm học 2014-2015, tổng số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là 17.036 trẻ, đến năm học 2019-2020, giảm còn 4.321 trẻ. Đối với bậc học tiểu học: 100% trẻ ở độ tuổi tiểu học phát triển thể lực đạt yêu cầu so với lứa tuổi; không có học sinh thiểu năng trí tuệ do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. 100% học sinh tiểu học được chăm lo phát triển thể lực, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, giải trí lành mạnh giúp trẻ phát triển hài hòa về thể lực – trí lực, cải thiện tầm vóc để đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 100% các trường thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho học sinh uống sữa tại trường. Cho đến nay việc tổ chức học sinh cho uống sữa đã đi vào nề nếp, các học sinh đã quen và thích thú khi được uống sữa học đường, 100% học sinh uống sữa đều phát triển tốt không có hiện tượng bất thường xảy ra.  Thường trực HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện Đề án “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Nhơn Trạch năm 2019

    Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học có cơ sở lẻ, có nơi cách điểm chính từ 5km đến 7km nên công tác giao nhận, phân phối sữa chưa thuận lợi. Đối với bậc học mầm non, số học sinh ra lớp thay đổi thường xuyên do đặc thù lứa tuổi và ở một số địa phương trẻ đi học theo vụ mùa, nhu cầu thay đổi nơi làm việc của cha mẹ là công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp vì vậy số học sinh đăng ký uống sữa hàng tháng chưa cao. Chủ trương Đề án “Sữa học đường” của tỉnh hỗ trợ cho cả các nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục ngoài công lập, trong khi số lượng nhà nhóm này khá nhiều và có quy mô nhỏ, nhóm chỉ có 5-10 cháu và hoạt động không ổn định (thay đổi địa điểm, tên nhóm, giải thể rồi hoạt động lại …) nên dẫn đến việc quản lý, cấp phát sữa còn nhiều khó khăn. Tại Hội nghị tổng kết, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án “Sữa học đường” việc triển khai chương trình Sữa học đường mang ý nghĩa nhân văn, nhằm “cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước”. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường giai đoạn 2021-2025 sẽ là động lực cho các em ở vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế các hộ gia đình còn nhiều khó khăn ham thích đến trường, tạo điều kiện cho các em phát triển về thể chất và trí tuệ để có thể xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn…

    Đức Thể

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ