Theo đai biểu, tình trạng tụ tập đông người buôn bán trên các tuyến đường gây mất an toàn giao thông, bên cạnh nguyên nhân chủ quan là ý thức của người dân còn có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cấp xã; để khắc phục tình trạng này, về lâu dài cần vận động người dân vào các chợ chính thức. ​ Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo trả lời, cụ thể như sau: Qua ghi nhận thực tế, trên địa bàn huyện Thống Nhất vẫn còn tình trạng tụ tập, buôn bán đông người, lấn chiếm lòng lề đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Chủ yếu các khu chợ nằm trên tuyến QL1A, QL20 như: Chợ Hưng Lộc (xã Hưng Lộc), chợ Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3). Vào các giờ cao điểm buổi sáng từ 05h30’ đến 07h, buổi chiều từ 16h30’ đến 17h30’ tình trạng các điểm bán hàng rong tụ tập buôn bán trên vỉa hè, xung quanh chợ, xe công nhân dừng, đỗ gần khu vực chợ để đón công nhân gây ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông cao. Ngoài ra, các chợ nằm trong đường ấp như: Chợ 9/4, chợ Hưng Nghĩa (xã Hưng Lộc), chợ Cây Me (xã Xuân Thiện), các đoạn đường từ QL20 vào giáo xứ Dốc Mơ (Gia Tân 1), Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, trạm y tế xã Gia Tân 1 thường xảy ra tình trạng một số người dân sử dụng xe tự chế, xe kéo… để bán hàng, một số hộ kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán gây mất an toàn giao thông. Căn cứ Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 04/02/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Thống Nhất có 18 chợ, gồm 03 chợ loại II, 14 chợ Loại III và 01 chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Dầu Giây. Số lượng chợ hiện đang hoạt động là 15, gồm: Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Dầu Giây, chợ Dầu Giây, chợ Phúc Nhạc, chợ Dốc Mơ, chợ Hưng Lộc, chợ Hưng Nghĩa, chợ Hưng Hiệp, chợ Lê Lợi, chợ Nguyễn Huệ, chợ Tân Lập, chợ Ấp 5, chợ Trần Hưng Đạo, chợ 9/4, chợ Phan Bội Châu, chợ Cây Me. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 01 điểm kinh doanh tự phát tại khu vực Phát Hải, xã Gia Kiệm. Điểm tự phát này hình thành theo nhu cầu mua bán của khu dân cư từ sau 30/4/1975, đến nay đã có khoảng 169 tiểu thương buôn bán tại đây. Mặc dù không được quy hoạch (do không có quỹ đất) nhưng điểm này vẫn tồn tại trên địa bàn huyện, quy mô kinh doanh nhỏ và buôn bán dọc theo hai bên đường nông thôn, thời gian kinh doanh chủ yếu từ 05h đến 08h30 hàng ngày. Trước thực trạng người dân tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, UBND huyện Thống Nhất đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số biện pháp như: – Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho quần chúng nhân dân, vận động, nhắc nhở người dân sử dụng vỉa hè đúng mục đích, không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. – Chỉ đạo lực lượng Công an huyện bố trí Cảnh sát giao thông – trật tự phối hợp Công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, nhắc nhở người dân không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm thì tiến hành lập biên bản vi phạm và tổ chức cưỡng chế theo quy định. – Yêu cầu các hộ kinh doanh viết cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, nếu vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm 2020, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức 364 ca giải tỏa lòng lề đường với 1.675 lượt CBCS tham gia. Tuyên truyền, nhắc nhở 288 trường hợp có dấu hiệu vi phạm lấn chiếm lòng lề đường. Yêu cầu 376 hộ buôn bán dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ viết cam kết không vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Lập biên bản tạm giữ 24 biển quảng cáo để trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính 06 trường hợp với số tiền 9.000.000 đồng. Tuy nhiên, do tập quán, thói quen của người dân nên tình trạng trên chưa giải quyết được triệt để; một số người dân khó khăn buôn bán bằng xe kéo, xe tự chế trong thời điểm nhất định; việc cưỡng chế, xử lý gặp nhiều khó khăn, nhiều vấn đề an sinh xã hội cần được giải quyết đồng bộ… Tiếp thu ý kiến của đại biểu, thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thống Nhất triển khai thực hiện một số nội dung sau: – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, nhất là các hộ dân sống ven các tuyến đường, yêu cầu viết cam kết kinh doanh không vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Đồng thời, làm việc với các giáo xứ, người có uy tín trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. – Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp bán hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông. – Rà soát, thành lập thêm một số chợ theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu, thói quen mua bán của người dân để vận động, tập trung người dân vào buôn bán. ​

    Nguyễn Thị Oanh

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ