​Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh, ngày 15/5/2020, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào ngày 18/5/2020. ​ ​ Tham dự Hội nghị có toàn thể cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh và có 12 lượt cán bộ, công chức tham gia phát biểu ý kiến góp ý tập trung vào một số nội dung như sau: 1. Về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP (Điều 4): Đề xuất lựa chọn phương án 1 (Lưới điện; nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)) để phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tế (hiện nay có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP). 2. Về cơ quan có thẩm quyền (Điều 5): Đề nghị bổ sung HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền vì theo quy định tại khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật thì HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12. 3. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 12): Đề nghị cần phân định rõ hơn về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP giữa cơ quan có thẩm quyền, nhất là đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan có thẩm quyền; có tiêu chí để xác định được các dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (khoản 4 Điều 12). 4. Về nội dung quyết định chủ trương đầu tư (Điều 17): Đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về “sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc địa phương”, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. 5. Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 18): Đề nghị quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP chịu trách nhiệm điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP và chịu trách nhiệm về quyết định của mình như quy định tại Điều 34 Luật đầu tư công năm 2019. Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 4 Điều 51 về tăng tổng mức đầu tư sau khi sử dụng hết dự phòng (10%) và quy định các trường hợp tăng tổng mức đầu tư dưới 10% cũng thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tương tự như quy định của Luật đầu tư công năm 2019. 6. Về góp vốn chủ sở hữu (Điều 79): Đề nghị xem xét sự phù hợp về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 72 dự thảo Luật với quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 7. Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 84): Đề xuất lựa chọn phương án 1 (Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu) để chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía nhà nước (quy hoạch, chính sách, pháp luật liên quan có thay đổi). Bên cạnh đó, đề nghị xem xét bổ sung các quy định về công khai, minh bạch doanh thu của các dự án PPP để nhà nước và nhân dân tham gia giám sát. 8. Nội dung khác: Đề nghị nghiên cứu việc cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn phát triển trên địa bàn để tạo sự chủ động của cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP, nâng cao hiệu quả của các dự án và đảm bảo công khai, minh bạch. Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư​ được dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9​ diễn ra từ ngày 20/5/2020 đến ngày 18/6/2020.

    Tuấn Anh

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn

     


    Bản đồ

    bản đồ