Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch covid-19 mức tăng trưởng trên là khả quan, tạo tiền đề từng bước cho việc khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm. ​Về cơ cấu kinh tế: Trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, khu vực công nghiệp- xây dựng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đóng vai trò là động lực chính trong phát triển kinh tế của tỉnh tăng 8,66%; khu vực nông, lâm, thủy sản chịu tác động không nhiều do tác động của dịch bệnh nên vẫn đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch tăng 3,8%; khu vực dịch vụ tăng 0,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,16%. Về sản xuất công nghiệp: Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 chịu tác động ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng rất thấp. Đặt biệt một số ngành sản xuất chủ lực giảm so cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,12%, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,09%; ngành công nghiệp chế biến tăng 6,33%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 1,19%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,2%. Tình hình chỉ số sản xuất của các ngành công nghiệp cấp II như sau: Ngành khai khoáng tăng 5,02%, là ngành ít chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác thác đá vẫn có mức tăng trưởng so cùng kỳ. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,69%. Một số doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, sản xuất chế biến thức ăn gia súc vẫn có hợp đồng tiêu thụ, ít bị ảnh hưởng của dich Covid-19 chỉ số sản xuất trong ngành này vẫn tăng như: Công ty Ajinomoto, Công Ty Cổ Phần Vina Cà Phê Biên Hòa, ngoài ra các công ty chế biến thức ăn gia súc cũng có mức tăng đáng kể so cùng kỳ. Ngành dệt: Ngành này chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid – 19, tuy nhiên qua tháng 5,6 tình hình sản xuất kinh doanh của ngành này đã khá hơn do có hợp đồng trở lại, 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,16% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục tăng 2,75% nguyên nhân do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, nhiều công ty sản xuất gián đoạn cụ thể ở một số doanh nghiệp như: CôngTy Trách Nhiệm Hữu Hạn Yupoong Việt Nam, Công Ty cổ phần NamYang mức giảm từ 5-22%…, vì thế đã ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất chung của toàn ngành. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan: tăng 10,89% so cùng kỳ. Sau đỉnh điểm dịch thì các thị trường Châu Âu, EU và Mỹ đóng băng nay tái khởi động, bên cạnh đó một số doanh nghiệp có các hợp đồng cũ nên vẫn duy trì được sản xuất và chỉ số sản xuất tăng khá cao như: công ty Splendour, Công Ty Cổ Phần Tae Kwang Vina Industrial, Công ty CiBao…

    Ảnh minh họa: Sản xuất giày dép xuất khẩu tại một công ty ở TP. Biên Hòa

     Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 0,79%. Đây là ngành chịu ảnh hưởng của các ngành sản xuất khác nên tăng trưởng thấp. Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,83%. Ngành này cũng chịu ảnh hưởng của dịch nên tiến độ thi công các công trình chậm lại, nhu cầu sử dụng sản phẩm ngành này giảm do đó 6 tháng đầu năm có mức giảm so cùng kỳ . Ngành sản xuất kim loại giảm 4,47%, nguyên nhân giảm là sự thu hẹp tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu và do thép nhập khẩu từ nước ngoài. Ngành sản xuất thiết bị điện tử và sản phẩm quang học giảm 4,69%. Đây là ngành có sự ảnh hưởng mạnh nhất của dịch bệnh Covid 19, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh phải hủy bỏ, một số doanh nghiệp khác sản xuất cầm chừng,nhiều doanh nghiệp sản xuất khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng khách hàng do đó làm ảnh hưởng chung đến chỉ số sản xuất của ngành giảm mạnh. Ngành sản xuất thiết bị điện giảm 4,2% do hợp đồng tiêu thụ ít. Ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế: giảm 10,58%, nguyên nhân giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giảm sản xuất nên ảnh hưởng đến chỉ số chung của ngành, cụ thể như: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thành Phú Phát (giảm khoảng 32%), Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hòa Bình (giảm khoảng 28%), Công Ty Cổ Phần Johnson Wood (giảm khoảng 25%), một số doanh nghiệp do không có đơn hàng nên cho công nhân nghỉ luân phiên. Đây cũng là ngành có ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị sụt giảm, hợp động tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do thị trường Mỹ và EU đóng băng. Nhìn chung, 6 tháng đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các ngành công nghiệp. Chính phủ đã có sự hỗ trợ điều hành tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giãn thuế, tiền thuế đất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại vẫn rất khó khăn, tuy nhiên dự báo nếu dịch Covid-19 được khống chế đẩy lùi thì sản xuất công nghiệp trên địa bàn dần đi vào ổn định trong những tháng cuối năm.

    Lê Lài

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ