Thực hiện Luật quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, ngày 27/3/2020 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch số 3287/KH-UBND về triển khai lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một bước để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. ​Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 27/5/2015, quá trình triển khai thực hiện tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2011-2018, GRDP tăng trưởng bình quân đạt trên 8,12%/năm (theo giá so sánh), cao hơn mức bình quân của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, dự kiến đến năm 2020 cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai là công nghiệp – xây dựng chiếm 61,35%, dịch vụ chiếm 30,09%, nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,55%, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng; tỉnh đã chủ động khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển; giải quyết tốt vấn đề việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, các lợi thế của tỉnh cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước; đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, việc ban hành kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thay thế cho các quy hoạch trước đây là phù hợp với yêu cầu và thực tiễn. Ngoài ra, theo Thông báo số 152/TB-VPCP ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu tỉnh, thành phố có quy hoạch diện tích đất trồng lúa, quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa được giao. Theo chỉ đạo trên, UBND tỉnh xác định nội dung lập quy hoạch tỉnh phải trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Đồng Nai về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên; thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, các khu chức năng; xác định và lựa chọn phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội. TP.Biên Hòa là nơi có nhiều quy hoạch dự án nhất tỉnh nên các doanh nghiệp mong sớm loại bỏ quy hoạch ngành để giảm thủ tục Trong ảnh: Một góc của TP.Biên Hòa​ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiệm vụ định hướng phát triển, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Việc lập quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính thống nhất, chất lượng, đáp ứng các quy định về thời gian, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Đảm bảo các yêu cầu về định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch. Mục tiêu lập quy hoạch là xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; giữ vững ổn định chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh; phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phát huy hào khí Đồng Nai, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển năng động, bền vững, là một trong những đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; từng bước xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, phúc lợi xã hội, vì hạnh phúc của người dân, phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 cao gấp 2 lần so với bình quân chung cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai là trung tâm kinh tế, thu hút công nghệ nguồn của khu vực phía Nam, sau năm 2030 tỉnh Đồng Nai trở thành đô thị trực thuộc trung ương. Sau khi kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì lập Quy hoạch tỉnh, đồng thời cũng là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh điều phối chung các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tỉnh; các Sở, ngành, cơ quan, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ là cơ quan phối hợp xây dựng các đề xuất và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương lưu ý Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được triển khai xây dựng trong khi các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa được lập và phê duyệt, do đó trong trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp, tham vấn với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để cập nhật thông tin, dữ liệu trong suốt quá trình lập quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp cao hơn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch./.

    Xuân Huyên

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ