Đại biểu thuộc các tổ Biên Hòa I, Biên Hòa II, Tân Phú, Hội Văn học Nghệ thuật đề nghị ngành Văn hóa cần quan tâm phát triển nhân lực để quảng bá du lịch Đồng Nai, đặc biệt cần quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên thuyết minh tại các di tích lịch sử. ​ Số lượng di tích của Đồng Nai nhiều, mang nhiều giá trị tinh thần. Phát huy giá trị di tích, theo đại biểu, phải có sự gắn kết đồng bộ các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử; phải gắn kết các Công ty du lịch, cần có các Tour, tuyến du lịch; phân loại đối tượng tại chỗ và khách du lịch; gắn kết du lịch với các di tích. Di tích phải có điểm nhấn; di tích không thể độc lập mà phải gắn với các yếu tố khác tạo thành chuỗi, tạo ra sự khác biệt để thu hút du khách. Đại biểu đề nghị học sinh trên địa bàn phải được đưa đến các di tích để tìm hiểu về truyền thống, lịch sử. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo trả lời, cụ thể như sau:

    1. Về quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 di tích đã được xếp hạng (02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 về việc phân cấp, ủy quyền quản lý di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh; các di tích trên địa bàn đã được phân cấp cho UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan trực tiếp quản lý và khai thác để phục vụ việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, một số di tích có đội ngũ hướng dẫn viên là đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch như: Hệ thống di tích của Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên, di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Vườn Quốc gia Cát Tiên, danh thắng quốc gia Bửu Long; đây là các di tích trong thời gian qua được tổ chức và khai thác phát huy hiệu quả khá tốt; một số di tích có điều kiện phát triển du lịch khác (di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan, di tích quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích quốc gia Nhà lao Tân Hiệp…) chưa được bố trí hướng dẫn viên tại điểm hoặc có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu hướng dẫn viên tại điểm am hiểu sâu sắc về di tích và khả năng thuyết minh để truyền tải những giá trị của di tích đến du khách. Do đó, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung lựa chọn người có tố chất hành nghề hướng dẫn viên để tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan để bổ sung vào đội ngũ hướng dẫn viên phục vụ thuyết minh tại các di tích có nhiều tiềm năng kết nối với du lịch để chuyển tải những giá trị của di tích đến du khách, tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch khi đến tham quan, tìm hiểu về các di tích trên địa bàn.

    2. Về phát huy giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch Để phát huy các giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch, tạo sản phẩm du lịch đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đã, đang và sẽ thực hiện hiện một số giải pháp sau: – Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh về việc phân cấp, ủy quyền quản lý di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát huy các giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch. – Tham mưu UBND tỉnh đầu tư hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông kết nối các di tích, các khu du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư và thuận lợi cho du khách tham quan du lịch; ưu tiên sửa chữa, cải tạo các công trình phụ trợ (bãi đậu xe, bến thủy, khu vực vệ sinh công cộng, khu bán hàng lưu niệm…) phục vụ khách du lịch tại các di tích gắn kết với các khu, điểm du lịch để nâng cao chất lượng điểm đến của các di tích. – Lựa chọn một số di tích phù hợp cho phát triển du lịch để xây dựng thành tuyến du lịch; liên kết các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đưa vào các chương trình du lịch nhằm giới thiệu và tăng cường thu hút khách, có thể hình thành một số tuyến du lịch sau: + Hoạt động du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai. + Hoạt động du lịch tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên gắn với di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo. + Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên – Khu du lịch Bửu Long – Làng bưởi Tân Triều. + Di tích quốc gia đặc biệt Mộ cổ Hàng Gòn – Cụm du lịch sinh thái Vườn Long Khánh – danh thắng quốc gia núi Chứa Chan. + Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh – Chùa Ông gắn với tuyến du lịch sông Đồng Nai. – Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên nhằm tăng cường thu hút thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu giá trị của di tích, góp phần nâng cao hiểu biết về các giá trị của di tích, niềm tự hào và trân trọng truyền thống quý báo của dân tộc cho thế hệ trẻ. – Tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch gắn với các điểm đến di tích thông qua nhiều hình thức: Các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ triển lãm về du lịch, khảo sát điểm đến, các ấn phẩm du lịch, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá điểm đến (trang mạng xã hội, giải pháp du lịch thông minh…) để tăng cường giới thiệu, quảng bá điểm đến di tích gắn với du lịch.

    ​Nguyễn Thị Oanh

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ