Đại biểu phản ánh thực tế, một số hộ dân có điều kiện mua gói bảo hiểm y tế chất lượng cao nhưng nhưng lại không được thống kê vào tỷ lệ tham gia BHYT, do đó, cần tính toán lại để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT. ​ Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh báo cáo trả lời, cụ thể như sau: Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện. Hiện nay, có 06 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và Nhóm do người sử dụng lao động đóng. Để thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng tham gia BHYT; thống kê đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020; Ngành BHXH thực hiện thống kê tỉ lệ tham gia BHYT căn cứ trên số người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng do Luật BHYT quy định so với quy mô dân số. Đại biểu thuộc tổ Thống Nhất, Trảng Bom đánh giá và ghi nhận nỗ lực của UBND tỉnh, các ngành, địa phương, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện chi trả cho các đối tượng không trùng lắp, không bỏ sót, tránh trục lợi. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp, tỷ lệ người là đối tượng chính sách được hỗ trợ trên 99% nhưng đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp mới chi trả đạt 47/84,6 triệu là tỷ lệ thấp. Đề nghị UBND tỉnh tìm ra nguyên nhân của hạn chế; có đánh giá cụ thể cơ quan, địa phương nào thực hiện chậm để có giải pháp khắc phục. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo trả lời, cụ thể như sau: Căn cứ Kế hoạch số 4979/KH-UBND ngày 05/5/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì người lao động trong các doanh nghiệp được hưởng 02 chế độ hỗ trợ, cụ thể: – Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19 Kết quả hỗ trợ: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình và được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phê duyệt hỗ trợ 228 người lao động với số tiền 703.800.000 đồng, hiện đã chi hỗ trợ 228/228 người lao động với số tiền: 703.800.000 đồng (đạt tỉ lệ 100%). – Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc do đại dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp Kết quả hỗ trợ: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình danh sách và được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 113 người được hỗ trợ với số tiền 115.000.000 đồng, hiện đã chi hỗ trợ 113/113 người với số tiền: 115.000.000 đồng (đạt tỉ lệ 100%). Việc chi hỗ trợ 02 đối tượng trên tính đến ngày 26/8/2020 chỉ đạt tỉ lệ 56%, lý do việc cập nhật số liệu chi hỗ trợ các đối tượng từ bưu điện của các huyện chưa kịp thời. Bên cạnh đó, các đối tượng người lao động đa số là tạm trú nên khi tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì một số người lao động về quê hoặc thay đổi nơi tạm trú nên việc liên hệ với người lao động để nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay việc chi chế độ hỗ trợ cho 02 đối tượng trên đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 100%. ​

    Nguyễn Thị Oanh

    Nguồn: hdnd.dongnai.gov.vn


    Bản đồ

    bản đồ